khuyến mãi lazada

Di ảnh liệt sĩ

Liệt sĩ: Đỗ Văn Hưởng
Ngày sinh: 1944
Quê quán: Hồng Kỳ - Đa Phúc - Vĩnh Phú (Nay là : H...
Đơn vị: D.15 - KH
Hy sinh: Mặt trận phía nam

Tìm kiếm

Đăng nhập

Họ sẽ đi qua nỗi đau mất người thân như thế nào???

(08/11/2014 09:27:45 AM) Tuần vừa qua, nhóm phóng viên 113 – TRI ÂN đã có buổi phỏng vấn chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, hiện đang là Nghiên cứu sinh chuyên ngành Văn hóa học (Cultural Studies) tại Đại học Trent (Canada). Buổi trò chuyện xoay quanh chủ đề có liên quan đến việc tri ân các anh hùng liệt sĩ, một nội dung chính trong đề tài nghiên cứu Tiến sĩ của chị. Với chúng tôi, đây là một quan điểm mới mẻ và thật thú vị vì chị Hoa cũng là một bạn trẻ thuộc thế hệ 8x – đồng thế hệ với những người sáng lập ra MARIN. Xin chia sẻ bài phỏng vấn này tới bạn đọc của MARIN.

Tuần vừa qua, nhóm phóng viên 113 – TRI ÂN đã có buổi phỏng vấn chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, hiện đang là Nghiên cứu sinh chuyên ngành Văn hóa học (Cultural Studies) tại Đại học Trent (Canada). Buổi trò chuyện xoay quanh chủ đề có liên quan đến việc tri ân các anh hùng liệt sĩ, một nội dung chính trong đề tài nghiên cứu Tiến sĩ của chị. Với chúng tôi, đây là một quan điểm mới mẻ và thật thú vị vì chị Hoa cũng là một bạn trẻ thuộc thế hệ 8x – đồng thế hệ với những người sáng lập ra MARIN. Xin chia sẻ bài phỏng vấn này tới bạn đọc của MARIN.

 

Vì sao bạn biết MARIN và điều bạn quan tâm nhất ở MARIN là gì?

Mùa hè năm 2012, khi bắt đầu hình thành những ý tưởng đầu tiên và bắt tay vào việc thu tập tài liệu cho luận án, tôi biết đến MARIN sau khi đọc một bài báo trên mạng nói về tổ chức này. Từ những giới thiệu ban đầu về hoạt động của Trung tâm do bài báo cung cấp, tôi tìm hiểu kĩ hơn về trung tâm thông qua việc đọc các bài viết và tin tức trên website của Trung tâm.

Ấn tượng ban đầu của tôi về MARIN là một tổ chức xã hội dân sự với các hoạt động rất tích cực nhằm tri ân và tưởng nhớ các liệt sĩ. Tôi ấn tượng và đánh giá cao các hoạt động, dự án của MARIN không chỉ ở tính thiết thực khi các dự án đó hướng đến các đối tượng cụ thể là các thân nhân liệt sĩ, mà còn ở tính minh bạch và rõ ràng trong cách thức thực hiện của MARIN.

Trong số các dự án được thực hiện bởi MARIN, tôi dành sự quan tâm lớn nhất đến dự án Đài tưởng niệm liệt sĩ trực tuyến, bởi đây là một nội dung của chương thứ 3 trong luận án mà tôi đang thực hiện.

Với dự án này, MARIN không chỉ xây dựng một dữ liệu khổng lồ bao gồm các thông tin của hàng trăm nghìn liệt sĩ mà còn giúp thân nhân của họ và cả những người đang sống khác có cơ hội để tri ân và tưởng nhớ đến các liệt sĩ thông qua các kết nối cụ thể mang tính định danh và cá nhân hóa. Thay vì mô hình tưởng niệm tập thể mà ta thường thấy ở các đài tưởng niệm truyền thống, ở đài tượng niệm trực tuyến do MARIN xây dựng, mỗi liệt sĩ được tưởng nhớ đến với tên thật của mình, với các thông tin rất cụ thể mà người thân của họ dễ dàng tìm thấy sự kết nối ở đó.

 

Sau buổi nói chuyện với chị Ngô Thị Thúy Hằng, chị có suy nghĩ gì về cá nhân chị Hằng, công việc của MARIN và về câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam

Mùa hè năm 2014, khi trở về Việt Nam để thu thập tư liệu cho nghiên cứu của mình, tôi có cơ hội làm việc trực tiếp với chị Ngô Thị Thúy Hằng, người phụ trách chính tại MARIN hiện nay.

Cởi mở và thẳng thắn là những ấn tượng ban đầu của tôi khi tiếp xúc với chị Hằng. Tại thời điểm đó, tôi đã hình thành một ý tưởng sơ khởi cho chương thứ 3 nằm trong luận án của mình, tuy nhiên, trong suốt thời gian điền dã tại Việt Nam, tôi chưa thể làm sáng tỏ những ý tưởng này bởi sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tư liệu.

Các dự án tưởng niệm liệt sĩ trực tuyến hầu như quá ít ỏi, có những dự án hình thành được vài năm nhưng hầu như không có hoạt động gì. Các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực này thì đều manh mún và không có tổ chức qui củ.

Nguồn tư liệu “chính thống” tại các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về công tác thương binh, liệt sĩ thì rất khó tiếp cận. Buổi làm việc ngắn với chị Hằng tại trung tâm MARIN đã giúp tôi giải quyết phần nào những khó khăn đang gặp phải.

Không chỉ cung cấp cho tôi một cái nhìn bao quát về các dự án của MARIN, chị Hằng còn cho tôi thấy các ý tưởng và quan điểm của chị rất phù hợp với hướng nghiên cứu mà tôi đang thực hiện. Qua những trao đổi rất thẳng thắn của chị Hằng, tôi hiểu hơn về công việc của MARIN, những nỗ lực và cả những khó khăn mà Trung tâm đang từng ngày vượt qua để trợ giúp cho các thân nhân liệt sĩ trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh.

Không chỉ có vậy, với những chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế nhiều năm làm việc của mình, chị Hằng còn giúp tôi hiểu hơn về câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam. Hình ảnh chiến tranh qua những câu chuyện mà chị Hằng được chứng kiến từ những lần tiếp xúc trực tiếp với các cựu chiến binh, với các hồ sơ của liệt sĩ thực sự là những mất mát đau thương và ám ảnh.

 

Đề tài bạn đang bảo vệ luận án Tiến sĩ là gì? tại sao bạn chọn đề tài này?

Luận án của tôi mang chủ đề “Kí ức xã hội: sự tái kiến tạo quá khứ ở Việt Nam đương đại.” Đề tài này áp dụng lý thuyết về nghiên cứu Kí ức (Memory Studies) vào trường hợp tưởng niệm các liệt sĩ chiến tranh ở Việt Nam. Trong khuôn khổ của chuyên ngành Văn hóa học, luận án của tôi tập trung làm sáng tỏ các biểu đạt văn hóa, các diễn giải và phương thức thực hành khác nhau trong việc tưởng nhớ các liệt sĩ ở Việt Nam.

Cụ thể, tôi sẽ so sánh sự khác biệt trong quan niệm, cách nhìn và cách thức thực hành của các hoạt động tưởng niệm liệt sĩ do các nhóm xã hội khác nhau thực hiện, bao gồm: nhà nước, gia đình và các tổ chức xã hội… Với quan điểm cho rằng mỗi cá nhân và nhóm xã hội sẽ có cách nhìn khác nhau về cùng một sự kiện trong quá khứ, do đó, họ sẽ có cách thức khác nhau để diễn giải và tái tạo sự kiện đó ở thời điểm hiện tại, việc tưởng niệm liệt sĩ ở Việt Nam cho thấy những động thái rất khác nhau ở các nhóm xã hội. Bên cạnh một quan điểm và cách làm phổ biến do nhà nước bảo trợ, vẫn còn rất nhiều cách thức biểu đạt khác được thực hiện do các cá nhân và nhóm xã hội khác nhau.

Đề tài này bắt nguồn từ nền tảng lý thuyết và sự quan tâm của tôi dành cho lĩnh vực nghiên cứu về Kí ức. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, tôi muốn thông qua đề tài nghiên cứu của mình để tìm hiểu kĩ hơn và sâu hơn  những mảng kí ức khác nhau về chiến tranh ở Việt Nam. Những hoạt động trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, cụ thể là các hoạt động tri ân liệt sĩ, dù được nhắc đến rất thường xuyên vào dịp 27.7 hàng năm nhưng lại mang tính bề nổi, và thường hướng tới việc xây dựng hình ảnh chiến tranh như một bản anh hùng ca vĩ đại. Trong khi đó, bản thân các gia đình liệt sĩ có hay không những cách nhìn khác, những hình thức khác để tái tạo hình ảnh của người thân đã mất và vượt qua sự mất mát này?

Luận án của tôi, do vậy sẽ bao gồm một vài nghiên cứu trường hợp được thực hiện ở các cộng đồng địa phương và một vài tổ chức xã hội dân sự, trong đó MARIN là trường hợp điển hình, cung cấp những thông tin thiết yếu cho nghiên cứu của tôi.

 

Được biết bạn đã có những chuyến đi thực tế phục vụ cho việc thu thập thông tin cho đề tài, bạn vui lòng cho biết cảm xúc của bạn  về những nơi mà bạn đã đi qua?

Để thực hiện luận án này, phương pháp chủ yếu mà tôi thực hiện là điền dã dân tộc học. Do vậy, trong thời gian từ năm 2012 đến 2014, mỗi năm tôi đều dành khoảng 3 tháng để trở về Việt Nam và đi nghiên cứu thực địa.

Tôi đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều gia đình liệt sĩ tại Hà Tĩnh và Quảng Trị. Trò chuyện về chủ đề chiến tranh, đặc biệt là những kí ức buồn về việc mất mát người thân là điều tương đối khó khăn đối với nhiều người ở các địa phương mà tôi đã đến.

Những cuộc phỏng vấn của tôi với thân nhân liệt sĩ thường xuyên bị đứt quãng giữa chừng vì người trả lời quá xúc động hoặc bật khóc do không thể kìm chế được cảm xúc. Bản thân tôi, khi chứng kiến những mất mát mà họ trải qua, đặc biệt là khi cầm trên tay những tấm giấy báo tử không còn nguyên vẹn, tôi cũng cảm thấy rất xúc động.

Những cuộc gặp gỡ với các thân nhân liệt sĩ, phần nhiều trong số họ tuổi đã cao hoặc sinh sống ở vùng nông thôn nơi có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Hình ảnh về sự khốc liệt của chiến tranh và những mất mát mà người dân phải chịu đựng thực sự đã vượt quá những gì mà tôi hình dung trước khi thực hiện nghiên cứu của mình.

Cũng từ những chuyến đi điền dã của mình, tôi nhận thấy một nhu cầu hết sức bức thiết đối với việc tri ân các liệt sĩ hiện nay. Rất nhiều thân nhân liệt sĩ hiện vẫn chưa tìm được hài cốt của người đã mất, nhiều người dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để để tìm kiếm tại nhiều nghĩa trang mong tìm ra manh mối của người thân. Do đó, việc cung cấp thông tin cho các gia đình liệt sĩ, giúp họ có những hiểu biết và những kết nối cần thiết cho việc tìm kiếm người thân đã mất trong chiến tranh là điều rất quan trọng và cấp bách hiện nay.

 

Là một người trẻ, sống ở nước ngoài có khi nào có các sinh viên khác hỏi bạn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam không?

Mặc dù biết tôi là người Việt Nam nhưng rất ít người trực tiếp hỏi tôi về chiến tranh ở Việt Nam, bởi lẽ đối với người phương Tây, chiến tranh là một chủ đề nhạy cảm và họ thường tránh nhắc tới trong giao tiếp hàng ngày. Tuy nhiên, trên phương diện học thuật, chiến tranh Việt Nam là một chủ đề rất đươc quan tâm bởi các học giả nước ngoài.

Cho đến thời điểm hiện tại, khi nhắc đến Việt Nam, chủ đề nổi bật nhất cho các thảo luận hay các bài nghiên cứu vẫn là các vấn đề liên quan đến chiến tranh.

Tại trường tôi đang theo học, những môn học có liên quan đến Việt Nam cũng đều tập trung xung quanh vấn đề chiến tranh Việt Nam. Bản thân tôi cũng tham gia trợ giảng cho môn học “Truyền thông đại chúng và chiến tranh” (Mass Media and War), trong đó chiến tranh Việt Nam được nhắc đến thường xuyên như một sự kiện nổi bật của thế kỉ 20.

 Câu hỏi cuối cùng: gia đình bạn có ai là liệt sĩ không?

Trong gia đình tôi không có ai là liệt sĩ.

 Cảm ơn bạn!

 

 

Nhóm phóng viên 113 - TRI ÂN



Ý kiến của bạn





Nội dung:* (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)