Chuyên đềTìm kiếmTin mi
|
Đói khát, hiểm nguy, vẫn sẽ lên đường tìm liệt sĩ(18/10/2012 08:46:07 AM) Tham gia Đội quy tập K71 (Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh) ngay từ ngày đầu thành lập (2001), Thượng tá Lê Văn Mỹ, Chính trị viên Đội quy tập K71 đã có nhiều năm vượt núi, băng rừng, tìm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Cam-pu-chia. Niềm vui, nụ cười, nước mắt, nỗi niềm trăn trở…là những cảm xúc thường nhật của anh, và của bao gia đình liệt sĩ, bao cựu chiến binh, trên những cung đường tìm liệt sĩ.Tại Hội nghị tổng kết công tác quy tập cấp Nhà nước về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào, Cam-pu-chia, vừa được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, chúng tôi đã được Thượng tá Lê Văn Mỹ sẻ chia nhiều câu chuyện cảm động… Tìm thấy liệt sĩ “nhờ”…hết nước sinh hoạt Quân khu 7 được giao nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố thuộc Vương quốc Cam-pu-chia. Là một trong 4 đội quy tập hài cốt liệt sĩ của Quân khu 7 (K70, K71, K72, K73), nên cái khó mà Đội quy tập K71 gặp phải cũng là cái khó chung của các đội quy tập khác. Đó là lực lượng quy tập gọn, song địa bàn phụ trách rộng; sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán giữa ta với nhân dân bạn; nhiều địa bàn quy tập còn bom, mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh; địa bàn quy tập thường là rừng núi hiểm trở, đi lại hết sức khó khăn… “Còn một khó khăn khác luôn thường trực với những người đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ như chúng tôi, đó là thiếu nước sinh hoạt. Hết nước, nếu gần dân còn xin, mua được; nếu xa dân chỉ còn cách tắm nước suối, giặt nước suối, ăn nước suối. Thậm chí nhiều khu vực kiếm được nguồn nước suối cũng hết sức khó khăn”, anh Mỹ tâm sự.
Vậy nhưng, một lần, cũng vì hết nước sinh hoạt mà các anh tìm được hài cốt liệt sĩ. Đó là những hài cốt mà trước đó các anh lặn lội 3 đợt trên đất bạn (mỗi đợt 2 đến 3 tháng), mà chưa tìm được. Anh Mỹ nhớ lại: Chuyện xảy ra vào năm 2003, khi chúng tôi tìm kiếm hài cốt của 8 liệt sĩ, được an táng tại một khu rừng của huyện Đầm Be (tỉnh Kông Pông Chàm), căn cứ vào nguồn tin các cựu chiến binh của ta cung cấp. Tìm ròng rã nhiều ngày mà các anh chưa thấy hài cốt liệt sĩ, bởi địa hình khu vực thay đổi rất nhiều so với mô tả của các cựu chiến binh. Giọt nước sinh hoạt cuối cùng cũng cạn. Thượng tá Mỹ cùng với mấy anh em trong Đội (trong đó có một chiến sĩ quân y), đi tìm dân để xin nước. “Cuốc bộ” trên con đường độc đạo gần 6 cây số, một nếp nhà dân đã hiện ra. Vào nhà, các anh thấy một cụ ông khoảng 80 tuổi đang nằm rên, do bị lợn rừng húc. Sau khi chiến sĩ quân y của Đội khám, cho ông cụ thuốc điều trị, anh Mỹ kể chuyện đang tìm hài cốt liệt sĩ tại khu vực này. Nghe xong, ông cụ liền khẳng định biết nơi an tang các liệt sĩ. Đề nghị ông đến nơi chỉ giúp vị trí cần tìm, ông cụ đồng ý nhưng không thể đi bộ được; xe máy, xe đạp cũng không có; anh em trong Đội liền mượn võng, khiêng cụ đi. Tìm kiếm đúng vị trí ông cụ chỉ, đội đã cất bốc được 8 bộ hài cốt liệt sĩ, đều có họ tên rõ ràng… Nước mắt giữa rừng cao su Đội quy tập K71 thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn 5 tỉnh của nước bạn Cam-pu-chia, là: Oóc Đô Miên Chay, Kông Pông Chàm, Xiêm Riệp, Bát Đom Boong và Bần Tia Măn Chay. Tính đến nay, Đội đã tìm kiếm, quy tập được 1.651 bộ hài cốt liệt sĩ. Song theo Thượng tá Lê Văn Mỹ, con số ấy sẽ lớn hơn, nếu không có quá nhiều cuộc kiếm tìm không đạt kết quả như mong muốn. Và chuyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4), hy sinh ở Làng 815, xã Chup, huyện Tà Bông Kh.Mum (tỉnh Kông Pông Chàm), là một ví dụ. Anh Mỹ tâm sự: “Chuyến tìm kiếm đó diễn ra tháng 11-2011. Cùng chúng tôi đi tìm hài cốt liệt sĩ tại khu vực này có hai cựu chiến binh. Một bác từ miền Bắc vào, một bác quê ở Bù Đốp (Bình Phước), là bạn chiến đấu và trực tiếp chôn cất 3 liệt sĩ”. Đến làng 815, sau khi xem xét địa hình, hai cựu chiến binh xác định khu vực đã an táng các đồng đội của mình là trong một lô cao su (cũng gọi là lô cao su 815). Tuy nhiên, sau 5 ngày đào bới, kiếm tìm, vẫn không có bộ hài cốt nào được tìm thấy. Thượng tá Lê Văn Mỹ cho rằng, do địa hình địa vật đã thay đổi quá nhiều nên không thể xác định được chính xác vị trí an tang liệt sĩ. Kể từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, nhân dân địa phương đã điều chỉnh quy hoạch lô cao su này tới 3 lần. Vì thế, mọi đường đi lối lại đều thay đổi hoàn toàn. Trước đó, hai cựu chiến binh và các đồng đội của mình đã tham gia chiến đấu lại Làng 318, cách Làng 815 khoảng 6km. Trong trận đánh này, 3 đồng chí bị thương, được 2 cựu chiến binh và đồng đội cáng tới Làng 815 thì hy sinh. “Đêm cuối của cuộc tìm kiếm, giữa rừng cao su, hai cựu chiến binh nằm khóc rưng rức, bởi suy nghĩ chính tay mình chôn đồng đội tại nơi này, nay cất công sang đây, những tưởng đưa được bạn về quê hương nhưng không thể”, mắt đỏ hoe, Thượng tá Lê Văn Mỹ nhớ lại…
Thiếu tướng lội bùn tìm hài cốt Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn dựa trên nhiều nguồn tin, song chủ yếu là do cựu chiến binh của ta và chính quyền, nhân dân nước bạn cung cấp. “Cùng với đẩy mạnh việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Đội quy tập K71 luôn làm tốt công tác khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng quà cho bà con nước bạn. Qua đó tiếp tục xây dựng được tình cảm gắn bó giữa ta với bạn”, đồng chí Chính trị viên Đội quy tập K71 bộc bạch. Một điều làm các anh luôn ấm lòng, đó là phần lớn nhân dân Cam-pu-chia đều xác định rằng, giúp đỡ các đội quy tập hài cốt liệt sĩ chính là việc làm tri ân với sự hy sinh xương máu của bộ đội Việt Nam, để nhân dân Cam-pu-chia có cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Không ít người còn nói rằng: Việt Nam là người mẹ đẻ thứ hai của người dân Cam-pu-chia. Một trong những hình ảnh khiến anh Mỹ và nhiều đồng đội vẫn còn xúc động cho đến ngày hôm nay, đó là cảnh Thiếu tướng Đa ra, Tỉnh đội trưởng tỉnh Bần Tia Măn Chay, cởi quân phục, lội ao bùn tìm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Đầu năm 2012, lực lượng của Đội quy tập K71 tới xã Mông Kô Brây (huyện Mông Kô Brây, tỉnh Bần Tia Măn Chay) tìm kiếm hài cốt 4 liệt sĩ của ta đã hy sinh tại đây. Qua tìm hiểu, các anh biết có một số người biết nơi chôn cất các liệt sĩ. Khi cán bộ xã vận động cung cấp thông tin, số người này không hợp tác. Sau khi nhận được thông tin từ xã, huyện, Thiếu tướng Đa ra đã trực tiếp xuống xã, vận động và họ đã cung cấp thông tin chính xác. Ngay sau đó, Thiếu tướng Đa ra đã cởi quần áo, cùng anh Mỹ và lực lượng của Đội quy tập K71 xuống ao, lội bùn, xác định vị trí chôn cất liệt sĩ và tổ chức khoanh vùng, bơm nước, tìm kiếm. 4 bộ hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy ngay sau đó… Trong tổng số 1.651 bộ hài cốt liệt sĩ mà Đội K71 đã quy tập được, tỉ lệ có thể đưa ra giám định được là 60%. Theo anh Mỹ, số không thể đưa ra giám định do một số nguyên nhân chủ yếu như hài cốt thuộc mộ tập thể; hài cốt bị mục… “Các anh hy sinh đã mấy chục năm rồi. Đẩy nhanh việc tìm kiếm chừng nào thì mang lại niềm vui cho gia đình liệt sĩ sớm chừng đó, và cũng có thêm cơ sở để giám định chính xác hài cốt. Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ khó khăn là thế, song mỗi lần bàn giao hài cốt, thấy nước mắt, niềm vui của thân nhân liệt sĩ, mọi vất vả trong chúng tôi như tan biến. Vì thế, đói khát đấy, hiểm nguy đấy, song chúng tôi vẫn sẽ đi tìm các anh”-Ánh mắt cương quyết, đầy nghị lực của Thượng tá Lê Văn Mỹ như khẳng định thêm cho lời anh nói… Theo báo QĐND
|