Chuyên đềTìm kiếmTin mi
|
Các anh nằm đâu giữa những cánh rừng này?(24/07/2015 05:28:53 AM)![]()
Nỗi đau và sự ám ảnh
Có lẽ chiến tranh sẽ luôn là dấu ấn không thể phai nhạt trong tâm trí bất kỳ người lính nào, và đặc biệt dày vò những cựu binh như Brian Cleaver hoặc John Bryant - những người đã từng tham gia cuộc chiến tại miền Nam VN. “Sau cuộc chiến, tôi trở về quê nhà và mang theo bên mình một vết thương vô hình thường xuyên nhức nhối. Tôi thay đổi rất nhiều, trở nên cộc cằn và khó kiểm soát bản thân...” - Brian nói. Tiết lộ về việc những lính Úc tham chiến tại miền Nam VN thời ấy bị nhiễm chất độc da cam có lẽ là câu trả lời chính xác cho lý do vì sao Brian không dám có bất kỳ một đứa con nào, khiến nỗi đau và sự mất mát của cuộc đời ông càng thêm nặng nề. Chiến trường xưa của Brian và John hôm nay đã được phủ kín bởi màu xanh của rừng cao su tươi tốt, nó chỉ được nhận ra bởi những hố bom lồi lõm trên mặt đất bằng phẳng, được coi là chứng tích về cuộc chiến khốc liệt 46 năm về trước. Những hồi ức về căn cứ Balmore, về hàng rào dây thép gai, về những ổ phục kích, về tiếng súng, tiếng bom, tiếng pháo tưởng như ồ ạt trở về trong tâm trí của 2 cựu binh Úc là John và Brian.
Nỗ lực không ngừng
Từ những ngày đầu tiên bắt đầu hành trình tìm hài cốt liệt sĩ (năm 2002), Bryan thực hiện công việc này một mình. Trở lại VN với tư cách một cựu binh Úc thăm chiến trường xưa, ông đã đến rừng cao su Bàu Hang, cố gắng hồi tưởng lại quãng ký ức thương đau của cuộc chiến với hy vọng có thể xác định được nơi chôn cất 42 liệt sĩ VN. Nhưng trải qua 12 năm, công cuộc tìm kiếm vẫn chưa mang lại kết quả khả quan nào khiến bao người nản lòng, ngay cả thân nhân của các liệt sĩ, chỉ còn lại Brian và Thượng tá nghỉ hưu Lê Hoàng Việt là vẫn còn tâm huyết...
Chặng đường tìm kiếm có lúc tưởng đã thành công khi vào năm 2009, Brian cùng đội đào bới của mình tìm được thi thể một người lính bị chết cháy nằm sâu trong một hố bom. Thế nhưng đấy vẫn chưa phải là nơi chôn cất của 42 liệt sĩ mà Brian chủ đích đi tìm. Tuy vậy, vị trí tìm ra thi thể bị cháy đã mang lại cho cả đội nhiều hy vọng và là căn cứ để xác định lại tọa độ cũng như củng cố thêm khẳng định của các cựu binh Úc về nơi chôn cất 42 liệt sĩ VN.
Giữa tháng 3.2014, Brian Cleaver cùng John Bryant trở lại Bình Dương tiếp tục công việc tìm kiếm, tuy chỉ với hy vọng mong manh. Lần này chính Thượng tá Lê Hoàng Việt là người phụ trách và chỉ huy đội đào tìm. Song họ lại thất vọng bởi sau nhiều ngày đào xới, “một mảnh xương nhỏ cũng không được tìm thấy”. Đội tìm kiếm nghiêng về giả thuyết họ đã xác định sai vị trí một cột mốc nào đó, theo Thượng tá Việt,
“Chỉ cần sai lệch khoảng vài mét đến vài chục mét, chúng ta sẽ tìm kiếm theo một hướng khác sai hoàn toàn.”
Nuối tiếc và day dứt
Đầu tháng 4, Brian trở về Úc với nỗi thất vọng và day dứt khôn nguôi. Đôi khi ông đành tự an ủi: “Có lẽ những người lính đó đã sống, chiến đấu và chết cùng nhau, được chôn cùng nhau, họ không muốn rời xa nhau nữa, do đó họ không muốn chúng ta tìm thấy họ”.
Còn John, với những tấm ảnh lưu giữ được do chính ông chụp chiến trường lúc bấy giờ, hy vọng “Qua những bức ảnh của tôi, các bạn VN có thể tìm thêm được manh mối nào đó”. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh và Đại tá Trần Quang Triệu, cựu chiến binh, Nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 vẫn có một niềm tin sắt đá rằng “Các anh ấy chỉ thử lòng kiên nhẫn của chúng ta thôi”, rồi họ động viên Brian và John hãy giữ nhiệt huyết trong việc tìm mộ liệt sĩ.
Với Brian và John cuộc tìm kiếm vẫn chưa thể kết thúc: “Tôi cảm thấy day dứt với gia đình thân nhân các liệt sĩ, nhưng ít ra tôi đã xác định được địa điểm cuộc chiến năm xưa, cũng là nơi 42 chiến sĩ đã ngã xuống. Hôm nay, người thân hoặc bất kỳ ai đều có thể đến đây để thắp nén hương cho họ. Chính điều đó đã xoa dịu tâm hồn tôi”.
2:30 ngày 28.5.1968, quân đội Việt Nam có đợt tấn công thứ hai vào căn cứ Balmoral. 42 người lính phía Việt Nam tử trận và 7 người khác bị bắt làm tù binh. Đại đội D của Brian và John đã chôn những người hy sinh dưới một hố bom và lấp đất lên. John Bryant là người chụp những bức ảnh trong cuộc chiến vào thời khắc đó, đây là tư liệu quý giá để Brian Cleaver nghiên cứu và đi tìm vị trí hố bom đã chôn 42 liệt sĩ Việt Nam. David Bradburry, nhà làm phim hãng Frontlines đã theo Brian trong cuộc tìm kiếm lần này nói ông cảm thấy “xấu hổ bởi người Úc đã tham gia vào một cuộc chiến phi nghĩa”. Qua bộ phim, ông muốn gửi thông điệp tới mọi người: “Dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề thế giới là một việc hoàn toàn không nên”. Theo báo Lao động
|