khuyến mãi lazada

Di ảnh liệt sĩ

Liệt sĩ: Nguyễn Y Ty
Ngày sinh: 1947
Quê quán: Phú Giáp - Yên Phong - Ý Yên - Nam Định...
Đơn vị: Đoàn 6 KH
Hy sinh: Mặt Trận Phía Nam

Tìm kiếm

Đăng nhập

Về Tiên Lãng những ngày tháng Tư

(26/04/2013 12:01:50 PM) Nhắc đến huyện Tiên Lãng hẳn ai cũng ít nhiều xúc cảm khi biết đến mảnh đất quê hương của 4.316 liệt sĩ, là vùng đất đã đóng góp rất nhiều chiến sĩ đặc công - những con người khoẻ mạnh, can đảm và mưu trí - cho công cuộc giải phóng đất nước.

Qua sự kết nối của Trung tâm tư vấn pháp lý và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (thường được gọi là Trung tâm MARIN) - do “cô gái thiên sứ” Ngô Thuý Hằng sáng lập - với Trung tâm Tư vấn pháp luật Học viện Tư pháp, đoàn bốn giảng viên Học viện Tư pháp chúng tôi về Tiên Lãng trong tâm thế của những “người quan sát” nhằm rút kinh nghiệm cho những lần hợp tác tiếp theo với MARIN để tư vấn chính sách và trợ giúp pháp lý cho bà con thân nhân liệt sĩ. Riêng với tôi, có đôi chút tò mò về những con người trên vùng đất đã nghe tên quá nhiều lần trên phương tiện thông tin đại chúng những ngày này.

7 giờ sáng ngày 21/4, hàng trăm bà con thân nhân liệt sĩ của bốn xã Kiến Thiết, Cấp Tiến, Bạch Đằng và Đoàn Lập đã kéo đến chật hội trường Nhà văn hoá xã Kiến Thiết. Trong chiến tranh kháng chiến cứu nước, bốn xã này đã đóng góp hàng ngàn chiến sĩ, trong đó có hơn bốn trăm người con đã vĩnh viễn không bao giờ trở về.

Có mặt tại hội trường là anh, là chị, là vợ, là em, là con cháu của hơn bốn trăm người con ưu tú ấy. Những gương mặt khắc khổ, những cái nhìn hy vọng, trên tay họ là giấy báo tử, bằng tổ quốc ghi công, di ảnh của các liệt sĩ. Chúng tôi thốt nhiên thấy mình có phần lạc lõng, trở nên quá nhỏ bé trước những hy sinh lớn lao của lớp người đi trước và thân nhân của họ.

 

Sau phần khai mạc, chị Ngô Thuý Hằng bắt đầu buổi tư vấn. Chị phổ biến cho bà con về những chế độ, chính sách ưu đãi dành cho người có công với cách mạng, các thủ tục về mặt hành chính và pháp lý để nhận được chế độ, chính sách ấy.

Chị cung cấp thông tin cho bà con về cách đọc giấy báo tử, về cách giải mã phiên hiệu của các đơn vị quân đội ghi trên giấy báo tử. Giọng nói đầy nhiệt huyết và những câu chuyện của chị trong hành trình hỗ trợ thân nhân liệt sĩ tìm lại di cốt các anh, các chú, các bác, các ông, đưa chúng tôi đến những chiến trường xưa, gợi nhắc lại những khốc liệt của chiến tranh.

Sức thông cảm, sự trân trọng kỳ lạ của chị Hằng với các anh hùng liệt sĩ làm cho các câu chuyện sống động chân thực mà không hề u ám, dù đó là những câu chuyện về những người chiến sĩ bị trúng đạn pháo hay  trong các trận đánh mà thân xác đã hoà tan vào đất trời, hay câu chuyện về những chiến sĩ vì đói, vì sốt rét, vì đuối nước, vì những cam go khác mà đã hy sinh trên dường hành quân. Những câu chuyện của chị làm lòng chúng tôi thắt lại. Sống mũi cay cay.

Nhưng trên gương mặt các bà, các chị, các ông, các bác tôi chỉ thấy đau đáu niềm hy vọng sẽ tìm được phần mộ người thân, sẽ có những ghi nhận để khỏi tủi vong linh những người đã khuất. Không có những giọt nước mắt mà tôi tưởng sẽ dễ dàng nhìn thấy, chỉ thấy sự nhẫn nại khi các bác, các ông các bà, các anh, các chị sắp hàng dài chờ các tình nguyện viên hướng dẫn thủ tục xin trợ giúp cung cấp thông tin tìm phần mộ liệt sĩ và thông tin về thủ tục hưởng các ưu đãi dành cho thân nhân liệt sĩ.

Tôi bỗng thấy mình thật thừa thãi nếu chỉ làm một “quan sát viên” hay tỏ ra uỷ mị. Mấy người chúng tôi nhanh chóng, mạnh dạn tham gia cùng các anh chị em tình nguyện viên hướng dẫn thủ tục cho bà con. Tuy chưa có kinh nghiệm, nhưng ít nhất chúng tôi cũng giúp họ khai lá đơn sao cho đúng, trả lời giúp họ những băn khoăn trăn trở về việc phải đi đâu, làm gì để được hưởng những chính sách ưu đãi mà Nhà nước dành cho họ.

Cùng làm việc với anh, các chị, các bạn tình nguyện viên mới thấy bà con rất thiếu thông tin, và thực sự cần sự giúp đỡ của những người trẻ. Đôi khi trong lúc tư vấn, nhiều ông bà, nhiều bác tuổi đã già, mắt đã mờ, chân đã chậm, dù đã nghe hướng dẫn rất nhiều lần nhưng vẫn còn chưa hiểu rõ. Nhưng sự chất phác thật thà của họ đã tăng lòng kiên nhẫn cho chúng tôi. Tôi thấy rõ nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ.

Dù biết việc của mình là phải hướng người nghe tư vấn vào trọng tâm thủ tục nhưng không nỡ cắt lời các bác. Tự nhiên tôi nhớ đến bài học “tiếp xúc khách hàng” mà chúng tôi thường dạy cho học viên luật sư ở Học viện tư pháp. Chính chúng tôi vẫn thường dạy học viên phải “cắt ngang chuỗi cảm xúc” của khách hàng để tập trung vào việc chính, vậy mà …

Tôi nhớ mãi một bác gái nhờ tôi khai giúp tờ đơn để tìm người em là liệt sĩ đã mất năm 1972 ở Quảng Trị. Bác cùng tuổi cha tôi ở nhà, nhưng trông thật khắc khổ, già nua. Nghe tư vấn xong, bác quay lại hội trường chờ chị Hằng đọc danh sách những liệt sĩ đã có thông tin xác định nơi hy sinh. Ngồi bên ngoài, chợt tôi nghe đến tên liệt sĩ Nhữ Văn Nhiễu, người em trai mà bác vừa nhờ tôi điền giúp thông tin. Vậy là hôm nay, ở buổi tư vấn này, bác đã có được thông tin về người em trai đã mất từ gần 40 năm nay. Tan cuộc, bác cứ lập cập cảm ơn, và nắm tay tôi mãi vì mừng rỡ.

Phần cuối của buổi tư vấn là giải đáp thắc mắc trực tiếp cho bà con. Chị Hằng xuống tận hội trường, ngồi giữa các bà con để lắng nghe, ghi chép và trả lời từng thắc mắc. Ở chị có sức lan toả làm chúng tôi cảm thấy những trăn trở đời thường của mình trở nên thật nhỏ bé, tầm thường. Còn nhiều khúc mắc của bà con chưa được giải quyết, còn nhiều việc còn phải làm để buổi tư vấn có hiệu quả hơn, còn cả núi công việc mà chị Hằng mong tìm được người gánh đỡ, nhưng buổi tư vấn lưu động đã diễn ra hoàn toàn suôn sẻ.

Và tôi biết vậy là sẽ còn nữa những lần sau chúng tôi về lại Tiên Lãng, sẽ còn tiếp những chuyến đi tới những vùng đất nơi sức trẻ và chất xám của chúng tôi giúp được chút ít dù bé nhỏ để chia sẻ cho những gia đình thân nhân liệt sĩ. Và cũng sẽ có thêm những xúc cảm trong bài giảng về trách nhiệm xã hội và đạo đức của người hành nghề luật của chúng tôi với các học viên tại Học viện tư pháp sau này.

Quách Thúy Quỳnh ( Học viện Tư pháp)



Ý kiến của bạn





Nội dung:* (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)