Chuyên đềTìm kiếmTin mi
|
Gặp tác giả “Đài tưởng niệm liệt sĩ trực tuyến”(06/05/2011 05:57:49 AM) Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương lòng của nhiều gia đình liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt người thân vẫn còn đó. Họ vẫn đang nỗ lực kiên trì trên hành trình tìm mộ của những người thân yêu của mình đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Có một cô gái trẻ đang đồng hành với họ bằng cả sức lực, trí tuệ tuổi thanh xuân của mình...Đồng hành cùng gia đình liệt sỹ “A-lô, liệt sỹ hy sinh năm nào, tham gia chiến trường gì ạ?” - trong cuộc trò chuyện dài khoảng hơn 3 tiếng với tôi tại văn phòng, “Giám đốc” Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sỹ và người có công (Marin) Ngô Thị Thúy Hằng và 2 cộng sự nhận được tới hàng chục cuộc điện thoại từ những gia đình nhờ tư vấn tìm mộ liệt sỹ. Hằng hỏi thêm một số thông tin về liệt sỹ, đơn vị chiến đấu... rồi hướng dẫn cho họ các phương án tìm kiếm hiệu quả nhất. Thúy Hằng tâm sự: Gọi là “Giám đốc” cho oai chứ công việc của Trung tâm cơ bản do một mình Hằng đảm nhiệm, mỗi ngày có một vài các bạn sinh viên tình nguyện thay nhau đến giúp đỡ trả lời tư vấn qua điện thoại và nhập các dữ liệu về liệt sỹ mới thu thập được. Tất cả đều được làm miễn phí. Chi phí cho các trang thiết bị, thuê văn phòng đều do Hằng bỏ tiền cá nhân và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Việc thành lập Marin cũng hết sức tình cờ khi Hằng và gia đình đang gặp nhiều bế tắc trong nỗ lực tìm kiếm mộ của người bác ruột hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Năm 2004, Hằng tìm kiếm và truy cập vào trang web www.nhantimdongdoi.org. Lúc đó, trang web này mới được thành lập dưới dạng một diễn đàn, nội dung còn khá nghèo nàn, do 8 sinh viên khoa Toán - Tin trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội xây dựng. Hằng bỗng nảy ra một ý định: Cô sẽ cùng các sáng lập viên phát triển trang web thành một “kho” thông tin trực tuyến về mộ liệt sỹ với hy vọng giúp các gia đình liệt sỹ chưa tìm được người thân ở khắp mọi miền đất nước. Nhưng do nhiều lý do, các sáng lập viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều không có điều kiện để đầu tư cho trang web. Không bỏ cuộc, cô cử nhân báo chí chấp nhận hy sinh thời gian, tiền bạc và những lợi ích cá nhân khác để tiếp tục duy trì và phát triển trang web. Do đang làm nghề báo tại TP Hồ Chí Minh, Hằng phải liên tục bay ra Hà Nội để giải quyết công việc của Trung tâm và đến năm 2008, Hằng đã chính thức xin nghỉ việc để ra Hà Nội tập trung đầu tư phát triển trang web. Cô bỏ lại đằng sau rất nhiều lời nghi ngờ, dị nghị. Theo nhiều người bạn, công việc cô làm là mộng tưởng, quá sức, là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”... Giải mã bí mật chiến tranh Hằng tâm sự, cô đã tiếp xúc với rất nhiều tờ giấy báo tử vẻn vẹn một dòng chữ: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam”, hoặc chỉ ghi đơn vị chiến đấu là những chữ cái như KT, KB, KN, KH, P2, P1, những con số D301, 470, 471... Trong chiến tranh, để đảm bảo bí mật, tên các đơn vị, các mặt trận được ký hiệu bằng những con số, con chữ. Nhưng trong thời bình, chúng lại trở nên bí ẩn đối với những gia đình đi tìm mộ người thân là liệt sỹ. Chiến tranh qua đi mấy chục năm nhưng rất nhiều gia đình liệt sỹ không hề được thông báo lại chính xác về những ký hiệu ấy. Có nhiều người phải long đọng, lận đận hàng tháng trời để giải mã những ký hiệu tưởng chừng như vô hồn nhưng lại là mấu chốt quan trọng của cuộc kiếm tìm. Thấu hiểu khó khăn chung của các gia đình liệt sỹ chưa tìm được mộ, Hằng lặng lẽ, kiên trì đến các cơ quan chức năng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), các cơ quan quân đội để tìm hiểu và cô đã hệ thống được cách giải mã các phiên hiệu đơn vị quân đội, các mặt trận qua nhiều giai đoạn được ghi trên giấy báo tử. Cô gái 30 tuổi bỗng trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực chính sách cho người có công. Cô nghiên cứu rất nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử của các đơn vị quân đội qua các thời kỳ, đặt chân tới hầu hết các chiến trường xưa, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, các Sở LĐTB&XH, Phòng LĐTB&XH, sang tận địa phận Lào, Cam-pu-chia để tìm kiếm thông tin cung cấp cho gia đình liệt sỹ. Tính đến nay, trang web www.nhantimdongdoi.org đã đăng tải hơn 37 nghìn thông tin tìm kiếm mộ liệt sỹ, hơn 210 nghìn thông tin về phần mộ liệt sỹ đã được quy tập trên cả nước... Trong suốt hơn 6 năm làm việc tự nguyện thiện tâm như vậy, Hằng và các thành viên của trang web đã là cầu nối cho hàng ngàn thân nhân liệt sỹ tìm kiếm thông tin về phần mộ của liệt sỹ, về nơi hy sinh của liệt sỹ, về những đồng đội còn sống của liệt sỹ sau chiến tranh; giải đáp hơn 10 nghìn bức thư, email có liên quan đến tìm kiếm liệt sỹ. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, Hằng và các cộng sự còn tổ chức tư vấn trực tiếp miễn phí tại văn phòng (Số 206, A2, khu tập thể Bộ Công an, đường Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hơn 2 nghìn thân nhân liệt sỹ. Không dừng lại, trong năm 2009 và đầu năm 2010, Ban điều hành trang web đã tổ chức thành công 4 cuộc gặp mặt cho thân nhân liệt sỹ tại Nghệ An, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thu hút hàng nghìn người tham dự. Tại các buổi gặp mặt, các gia đình liệt sỹ được nghe Hằng và các tình nguyện viên cung cấp thông tin về tìm kiếm liệt sỹ thông qua phiên hiệu trên giấy báo tử, đơn vị chiến đấu. Hằng cũng mời đại diện các Hội cựu chiến binh, các gia đình liệt sỹ đã tìm thấy mộ trình bày kinh nghiệm tìm kiếm với các phương pháp khác nhau. Thân nhân liệt sỹ tham dự đều thấy cuộc gặp mặt thật hữu ích và cảm kích vô cùng trước tấm lòng cao đẹp của cô gái trẻ.
Đài tưởng niệm trực tuyến Trong quá trình làm việc hơn 6 năm qua, Hằng đau đớn nhận ra một điều rằng: Có rất nhiều các liệt sỹ sẽ không bao giờ tìm được phần hài cốt bởi sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh. Vậy mà nhiều kẻ giả danh nhà ngoại cảm dám ngạo nghễ chỉ đường, vạch lối cho gia đình liệt sỹ tìm hài cốt ở chân quả đồi này, ở bìa cánh rừng kia, trong khi ở hồ sơ gốc của liệt sỹ lại ghi: “hy sinh do bom nổ tan xác”. Rồi còn có biết bao những ngôi mộ chưa rõ tên đang nằm trong nghĩa trang liệt sỹ mà Hằng đã đặt chân tới như: nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 (Quảng Trị), nghĩa trang liệt sỹ đồi 81 Tân Biên (Tây Ninh), nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào (Nghệ An)... Một câu hỏi luôn ám ảnh trong tâm trí cô: Biết đến bao giờ họ mới được làm rõ danh tính chính xác? Xuất phát từ những thực tế đó, năm 2009, Hằng đã nảy ra ý tưởng và bắt tay vào xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ trực tuyến ở địa chỉ www.lietsivietnam.org để làm nơi ghi danh tất cả những người anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống. Đây là lần đầu tiên danh sách các liệt sỹ Việt Nam được hệ thống hóa, kết nối các dữ liệu từ gia đình, các Sở LĐTB&XH, đơn vị cũ và từ 3.000 nghĩa trang trên cả nước... để tạo nên một hệ thống thông tin tương đối đầy đủ về tất cả các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong các cuộc chiến tranh. Đài tưởng niệm sẽ như một công cụ tra cứu đầy đủ nhanh chóng thuận tiện trên internet giúp gia đình liệt sỹ dễ dàng tìm thấy hoặc sớm được người khác báo về phần mộ liệt sỹ. Hơn thế, nếu có đầy đủ thông tin, trang web sẽ đưa lên hình ảnh, tiểu sử, hoàn cảnh hi sinh của các liệt sỹ. Hằng tiết lộ: Theo kế hoạch, đúng ngày 27-7-2010, trang web này sẽ được hòa mạng internet. Với sự phổ cập rộng rãi của internet, người thân, người bạn hay đồng đội năm xưa dù ở bất cứ nơi đâu, vào bất kì thời gian nào cũng có thể thăm viếng, thắp một nén nhang trong tâm tưởng và ghi vào trang web đôi lời tưởng nhớ, tri ân đến các liệt sỹ đang yên nghỉ nơi vĩnh hằng. Chính những dòng chữ vinh danh, ghi lại hoàn cảnh hi sinh, trận đánh ấy sẽ còn là bài học lịch sử, giáo dục đầy ý nghĩa đối với thế hệ trẻ mai sau, để họ có thể tìm hiểu về những mất mát của thế hệ cha anh, hiểu hơn về những năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, hiểu hơn về giá trị của độc lập, tự do và hòa bình. Bởi theo Ngô Thị Thúy Hằng, với sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ thì sự tri ân mãi không bao giờ là đủ Vũ Hiệp - báo Biên phòng
Nguyễn Thị Phương Lan | hoamoclan@gmail.com.vn (16:27:38 16-05-2011)
Tôi cũng là thân nhân của gia đình liệt sỹ. Không biết nói bao nhiêu cho đủ để cám ơn cô gái trẻ Ngô thị Thúy Hằng, một con người trẻ tuổi tài cao, người đã mang sứ mạng cao cả của các anh hùng liệt sỹ giao cho là giúp đỡ các gia đình liệt sỹ tra cứu các thông tin liên quan đến liệt sỹ như đơn vị,trường hợp hy sinh,phần mộ đang ký táng ở đâu... Gia đình tôi đã rất may mắn tìm được mộ của cha tôi ở Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Hằng và các cộng sự của trung tâm Marin. Cha tôi hy sinh ở chiến trường Lào năm 1968,đơn vị của cha tôi là Đoàn 559 đã quy tập các phần mộ liệt sỹ ,đưa hài cốt cha tôi về Nghĩa trang liệt sỹ Trường sơn từ năm 1976.Vậy mà gia đình tôi không hề được báo thông tin gì về việc này.Tôi thiết nghĩ đây là công việc của các cơ quan nhà nước như Cục chính sách,Bộ LĐTB và XH v.v...Vậy mà Ngô thị Thúy Hằng đã làm được công việc đầy ý nghĩa trọng đại này với sự quyết tâm đáng khâm phục. Nhờ truy cập vào trang web nhantimdongdoi.org của trung tâm Marin do Hằng đứng đầu mà gia đình tôi đã tìm được mộ cha,thực hiện được điều mà chúng tôi mong mỏi trong suốt hơn 40 năm qua, từ khi cha tôi hy sinh là tìm được mộ cha,thắp được nén tâm nhang trên phần mộ của ông. Cảm ơn Hằng,"cô bé thiên sứ" của dân tộc Việt nam ta.Chúc em và các thành viên của Trung tâm luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục thực hiện sứ mạng cao cả này!
Ngô Thị Khuyên | gautrang900@yahoo.com (17:00:25 13-05-2011)
trước tiên tôi xin cảm ơn các bạn ở trung tâm đã sáng tạo ra trang Web này, để các gai đình liệt sỹ có thể liên hệ để tìm mộ người thân của minh. Tôi cũng nằm trong hàng vạn vạn gia đình dang mong mỏi tìm được phần mộ của cha tôi, vâng hàng năm cứ vào tháng sáu là gia đình tôi mấy anh chị em vẫn tổ chức dỗ bố 39 năm qua, mấy năm trước khi me tôi còn thì năm nào gần đến ngày là mẹ lại nhắc đến nagỳ dỗ bố, nhưng 3 năm nay mẹ tôi cũng đã mất chỉ còn mấy chị em tôi, cũng nhớ ngày báo bố tôi hy sinh tại alưới phần mộ đã được quy tập về nghĩa trang huyện Hải Lăng - Quảng Trị nhưng chỉ là liệt sỹ chưa biết tên, tôi rất mong trung tâm và các bác, các chú cựu chiến binh của sư đoàn 304 cùng đơn vị của cha tôi giúp chị em tôi tìm ra phần mộ của cha tôi , đến phần mộ của cha tôi có tên, tỗiin chan thành cảm ơn./. tôi là con gái của liệt sỹ Ngô Minh Thược hy sinh ngày 24/6/1972
Minh | nh93802@gmail.com (09:39:51 09-05-2011)
Đây là ý tưởng rất hay,độc đáo... Tôi cũng là thân nhân của gia đình liệt sỹ xin chúc các anh chị sức khỏe
|