Chuyên đềTìm kiếmTin mi
|
Hồn thiêng sông núi đắp nên tượng đài(04/10/2010 06:32:34 AM) Câu hát cuối cùng trong bài hát Miền xa thẳm của nhạc sỹ Đức Trịnh và cũng là bài hát được vang lên khi mở trang lietsivietnam.org. Nhiều người đã khóc, và mỗi đêm, khi tiếng ca ấy vang lên, cũng làm “lạnh gáy” bao người. Nhưng trang web ấy, em út của nhantimdongdoi.org đã lấy đi không ít nước mắt cũng như sự cảm phục của không biết bao người.Ngô Thị Thúy Hằng cũng như bao thân nhân gia đình liệt sỹ khác, chị có bác hy sinh trong thời chống Pháp và đến giờ vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Chị đau đáu trong lòng nỗi niềm về người thân đang nằm nơi đất lạnh và cũng quyết tâm đi tìm nhưng cái con đường 62, Hà Nam mà chị biết ấy dài thăm thẳm, biết người bác nằm ở đâu? Thôi thì đành chấp nhận con đường ấy, lẫn một phần máu xương bác, hòa tan giữa lòng đất Mẹ là phần mộ lớn của bác, còn nếu câu chuyện linh hồn là có thật, mình thành tâm thờ cúng bác sẽ về quẩn quanh trong ngôi nhà cùng những người đang sống và quan trọng hơn là trong tâm mỗi người đều có hình ảnh bác. Cuộc hành trình đi tìm bác chính là khởi nguồn cho Ngô Thị Thúy Hằng tiếp cận trang web: nhantimdongdoi.org - sản phẩm của một nhóm sinh viên cũng đầy nhiệt huyết khi muốn cung cấp cho gia đình thân nhân những thông tin về liệt sỹ. Cô gái nhỏ nhắn ấy vốn tốt nghiệp 2 trường đại học, cũng mơ ước một ngày mình sẽ thành phóng viên băng trên những cung đường đất nước, nhưng rồi chị không theo được nghề, chị chuyển sang làm cho một tập đoàn lớn trong nước nhưng dường như những câu chuyện về liệt sỹ đã quyến luyến chị. Đầu tiên chỉ là làm việc bán thời gian cho trang web, sau đó, chị quyết định từ bỏ một mức lương nhiều người mơ ước để toàn tâm toàn ý cho Trung tâm thông tin liệt sỹ Marin Thanh Xuân. Trong căn nhà đi thuê, đồ đạc không có nhiều và một cuộc sống hết sức khiêm tốn, người phụ nữ ấy đã làm được nhiều điều mà không phải tổ chức nào cũng có thể làm được. Đó là tư vấn hướng dẫn quy trình thủ tục để tìm mộ và tìm thông tin về liệt sỹ. Nghe thì rất đơn giản nhưng có nhìn những gì chị và các bạn tình nguyện viên ở trung tâm đang làm mới thấy rằng, sức làm việc của họ nằm ngoài khả năng của nhiều người. Trung tâm của chị chính thức đi vào hoạt động được 7 năm, cung cấp thông tin về liệt sỹ cho gia đình nhưng một điều kỳ lạ là tính đến khi bài báo này lên khuôn, nó vẫn chưa có tư cách pháp nhân, vẫn hoạt động như một nhóm tình nguyện, hỗ trợ các gia đình bằng tiền túi của Ngô Thị Thúy Hằng. Vì chưa đủ tư cách pháp nhân nên chị không có con dấu, không đủ tư cách để phối hợp hoạt động với các đơn vị mặc dù chị ôm ấp rất nhiều dự định. Ngọt ngào khi tư vấn, cũng cáu gắt khi gặp những người dửng dưng, lạnh lùng, cũng ánh mắt loáng nước khi tủi phận, song vượt lên trên tất cả là tấm lòng của người con sinh sau ngày đất nước giải phóng. Tôi hỏi chị tại sao trung tâm chỉ tiếp thân nhân vào 3 buổi sáng trong tuần, chị Hằng trả lời đừng nghĩ trung tâm này nhỏ mà ít việc. Làm chính thức tại văn phòng chỉ có khoảng 5-6 tình nguyện viên, hầu hết là sinh viên, có cả người đi làm rảnh rỗi chạy qua, lương là bữa cơm trưa ăn vội tại văn phòng. Những cuộc điện thoại từ tổng đài 1900571242 liên tục đổ chuông và các bạn tình nguyện viên phải liên tục trả lời, hướng dẫn, ghi lại thông tin và xử lý thông tin. Tôi đến văn phòng chị vào một buổi sáng tiếp thân nhân khá sớm với hy vọng được trò chuyện với chị lâu lâu thì thật bất ngờ, đã có nhiều gia đình đến trước tôi. Người ở Thái Bình, người ở Hải Dương, có gia đình ngay tại Hà Nội. Các bạn tình nguyện viên khi ấy chưa đến, một mình chị vừa chăm chú lắng nghe câu chuyện của các gia đình, vừa liên tục nhấc điện thoại. Những câu chuyện ngắt quãng nhưng khiến tôi bất ngờ vì chị thuộc từng phiên hiệu, mặt trận, chiến trường của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ đến kỳ lạ. Sư đoàn nào chiến đấu ở đâu, tiến sâu vào miền Nam bằng con đường nào, lịch sử của đơn vị ấy ra sao, giờ đổi tên thành gì và đang đóng quân tại đâu. Không những thế chị còn bắt liên lạc được với rất nhiều người phụ trách các đơn vị, những ban liên lạc cựu chiến binh, lưu giữ số điện thoại trong những tập giấy tưởng chừng đã cũ mòn theo thời gian nhưng lại có giá trị lớn về tư liệu. Con đường mà Ngô Thị Thúy Hằng đã đi qua, đã dừng chân rất có thể chính chị cũng không đếm xuể. Chị tự hào vì mình đã lăn lộn hết dải đất hình chữ S, nơi chiến tranh đi qua. Có đi chị mới thấy, sự mất mát quá lớn và chị đã đến những nơi, dù biết rất có thể dưới đó còn nhiều phần mộ chưa được quy tập nhưng không có cách nào có thể đến tận nơi đưa hài cốt về. Càng đi chị càng tâm niệm rằng, xương thịt đã là thể xác, cuốn đi cùng tro bụi nhưng nếu tin dường như linh hồn vẫn còn đâu đây. Chỉ cần chúng ta không quên ơn của các anh hùng liệt sỹ thì họ vẫn đây, song hành cùng chúng ta trong cuộc sống. Thế thôi cũng đủ làm yên cái tâm bao người.
Chị tâm sự, ít khi hồ sơ đến trung tâm mà để tồn, phải có hướng xử lý giải quyết ngay. Thứ nhất tiếp nhận thông tin, lưu trữ thông tin, sau đó hướng dẫn thân nhân liệt sỹ đến các cơ quan như lực lượng quân đội, sở LĐ-TB&XH, những người bạn chiến đấu cũ... để bám theo thông tin đó tìm ra mộ phần (nếu đã được quy tập), thông tin (nếu hồ sơ gốc vẫn nằm trong quân đội)... Thứ 2 là tư vấn các thông tin trong quá trình đi tìm mộ. Mọi bước đường của thân nhân liệt sỹ đều được chị cùng các bạn tình nguyện trong trung tâm hướng dẫn tận tình. Ngô Thị Thúy Hằng còn “liều mình” đến các đơn vị quân đội, tìm những bộ hồ sơ gốc mà thời gian đã phủ bụi, lôi trong đó những miền ký ức đưa nó về với thực tại, sao chụp lại và lưu trữ trên trang web. Dù mỗi người chỉ có một dòng - tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, ngày và nơi nhập ngũ, nơi hy sinh, nơi chôn cất, tên đơn vị... chỉ vậy thôi nhưng biết bao gia đình vẫn không có cơ hội tiếp cận, thậm chí còn đau buồn hơn vì những tờ giấy báo tử thông tin không chính xác. Chị bảo, không còn nhiều thời gian, tất cả đều phải làm rất nhanh, vì mối mọt đã góp phần cùng chiến tranh phá hủy nhanh hơn những tư liệu quý giá ấy. 7 năm “chường” mặt mình ra để làm một công việc không thu lợi nhuận, chỉ với mong ước duy nhất thông tin liệt sỹ được biết ngày càng nhiều hơn còn thông tin chưa biết ngày càng ít đi, Ngô Thị Thúy Hằng đang ấp ủ cho mình nhiều dự định mới. Đó là câu lạc bộ thân nhân gia đình liệt sỹ, để nơi ấy tập hợp những người có chung hoàn cảnh, sinh hoạt không mất phí nhưng lại được hưởng lợi. Đó là được chia sẻ về thông tin qua những buổi tư vấn tận nơi, hướng dẫn về cách tìm mộ và thông tin về liệt sỹ; tập huấn để những người đứng đầu câu lạc bộ trở thành tư vấn viên hướng dẫn cho thân nhân. Cùng với đó là chia sẻ động viên hơn nữa về tình cảm, chế độ với thân nhân liệt sỹ. Điều kiện Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, mỗi năm các gia đình liệt sỹ chỉ được quan tâm vào dịp 27-7, lễ Tết... Chị muốn thông qua câu lạc bộ, các gia đình hiểu hoàn cảnh của nhau hơn, để những câu chuyện về các liệt sỹ luôn được nhắc nhở khiến thế hệ hôm nay không ai có thể quên sự hy sinh anh dũng của họ cho tương lai tươi sáng. Cũng qua đây, trung tâm sẽ là cầu nối cho các “Mạnh Thường Quân” ủng hộ cho những gia đình muốn đi tìm thân nhân liệt sỹ nhưng không đủ điều kiện. Từ buổi ban đầu chỉ là một tổ chức tình nguyện, 7 năm không tư cách pháp nhân nhưng Marin đã tổ chức được một đội ngũ tình nguyện viên tại các tỉnh thành phố, các trung tâm kết nối tại một số thành phố lớn và 4 buổi gặp mặt thân nhân liệt sỹ tại 4 thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Vinh, Hải Phòng với những buổi đông kỷ lục lên đến hàng nghìn người. Để tổ chức được những cuộc gặp gỡ này không hề đơn giản nhưng với lòng quyết tâm, Ngô Thị Thúy Hằng cùng Marin đã thành công, đem đến cho người thân liệt sỹ những thông tin quý giá. Mỗi gia đình liệt sỹ đến với trung tâm mang một câu chuyện khác nhau, chị luôn phải lựa lời nói sao cho phù hợp và để gia đình bớt đi sự đau đớn. Hiếm khi thấy chị cười vì chị bảo càng biết nhiều, càng thấy được sự khốc liệt của chiến tranh. Bài học trong sách vở về những chiến thắng rất oai hùng, trang bị cho mỗi bạn trẻ kiến thức lịch sử, nhưng có đi, có đến mới tiếp nhận sự tàn phá của chiến tranh, về những hậu quả nó để lại. Có những phần mộ đã bị cuốn trôi, thậm chí lẫn lộn với nhau, những cái tên vô danh và việc tìm hài cốt ngày càng khó vì những biến thiên lịch sử. Chị đã động viên nhiều gia đình, việc tìm hài cốt cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là ý thức của mỗi người về sự hy sinh ấy. Và đó cũng chính là ý tưởng để từ phiên bản đầu tiên của trang web, sau nhiều cố gắng các chị đã cho ra đời đài tưởng niệm online. Tại đó, mỗi liệt sỹ sẽ có một hồ sơ về nhân thân, ngày nhập ngũ, tên đơn vị, ngày hy sinh, nơi hy sinh, quê quán cùng tên người thân. Rồi thêm cả những câu chuyện, những lá thư mà liệt sỹ gửi về cho gia đình cũng được đăng tải tại đây. Mỗi người khi đến đài tưởng niệm đều có thể thắp một nén nhang, gửi một vòng hoa, dù chỉ là hình ảnh nhưng chị bảo liệt sỹ linh thiêng lắm, họ biết hết đấy. Không những thế, người thân khi thăm viếng đài tưởng niệm này đều có thể viết thêm những dòng cảm nghĩ về người thân của mình. Người phụ nữ nhỏ bé ấy chưa một lần đòi hỏi quyền lợi cho mình, chị chỉ mong trung tâm Marin có “danh phận” để có thể dễ dàng hoạt động hơn, chia sẻ được nhiều hơn thông tin về những người con hy sinh vì Tổ quốc. Có lẽ chị khác với những người đi tìm đồng đội khác, hàng ngày không ít người gọi điện báo cho chị về việc đã tìm thấy phần mộ người thân của mình, nhưng chị bảo vui làm sao được khi càng chứng kiến càng thấy nó khủng khiếp. Nguyện sẽ gắn bó suốt đời với hoạt động nghĩa tình này, cầu mong chị luôn bình an để từ chị nhiều tấm gương sáng được nhân lên, để những người nằm xuống đất Mẹ kia nhanh chóng tìm được người thân, được vỗ về trong lời ru đất nước. Yên Hưng (báo An ninh thủ đô ngày 03.10.2010)
|