khuyến mãi lazada

Di ảnh liệt sĩ

Liệt sĩ: Hoàng Văn Phúc(Bí danh: không)
Ngày sinh: 26/01/1951
Quê quán: xã Đầm Hà-huyện Quảng Hà-tỉnh Quảng...
Đơn vị: đại đôi 2-tiểu đoàn 320-trung đoàn 5 - sư đoàn 2
Hy sinh: huyện kiến tường-tỉnh Tiền Giang

Tìm kiếm

Đăng nhập

Thế hệ 8X với hành trình "tìm quê hương" cho các liệt sĩ

(01/07/2010 19:17:01 PM) 12 - một con số không quá lớn nhưng cũng đủ để Nguyễn Hữu Tuấn và nhóm của mình cảm thấy rằng họ đã làm được điều gì đó thật ý nghĩa cho những thế hệ cha anh. Bởi đó chính là con số phần mộ mà trang web “nhắn tìm đồng đội” của Tuấn và các bạn mình đã giúp thân nhân các liệt sĩ tìm được trong vòng hơn một năm qua.

27/7/2004 là một ngày đáng nhớ của Tuấn, khi anh xem một chương trình phóng sự nhân ngày Thương binh liệt sĩ về bác Lê Văn Can ở Thái Bình, một cựu chiến binh đã dành tiền lương của mình để mua rất nhiều tem và gửi thư khắp cả nước tìm đồng đội cũ. Ngay sau đó, ý tưởng thành lập trang web “nhắn tìm đồng đội” được đưa ra họp nhóm và biểu quyết. 8/8 phiếu thuận.  

29/7/2004, website www.nhantimdongdoi.com.vn ra đời nhanh đến không ngờ ngay cả với tác giả của nó - nhóm SWS (Smart Web System) của Nguyễn Hữu Tuấn. “Tôi rất xúc động khi chứng kiến có những người 5-10, thậm chí 15-20 năm đi tìm thân nhân thất lạc trong chiến tranh mà vẫn vô vọng. Trong khi kênh thông tin dành cho lĩnh vực này không nhiều. Lúc đó, trong đầu tôi chỉ có một tâm niệm: Mình phải làm điều gì đó ít nhiều có ý nghĩa đối với thế hệ cha anh, những người đã hy sinh xương máu của mình trong chiến tranh...", Tuấn tâm sự.

Thành viên của nhóm

Sau hơn 3 tháng tìm kiếm tài liệu, lập chương trình phần mềm, thiết kế kỹ thuật, xây dựng nội dung, ngày 26/10/2004, nhóm SWS (lúc đó mới có 8 người) đã chính thức đưa trang web “nhắn tìm đồng đội” vào hoạt động. Nhiều người bảo họ uống thuốc liều vì với một trang web như vậy, việc xây dựng nội dung là rất khó, hơn nữa lại để cho mấy tay làm công nghệ thông tin xây dựng nội dung thì chắc là... công toi.

Bước đầu, nhóm Tuấn thu thập thông tin trên các báo Tuổi trẻ, báo Quân đội nhân dân điện tử, Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam... được khoảng 100 thông tin. Dần dà, số lượng thông tin có tăng lên, ngày cũng có 5-7 người truy cập trang web nên danh sách cộng tác viên cũng có nhích lên. Tuy nhiên, 6 tháng, rồi 8 tháng qua đi vẫn không hề có một tin vui nào.

Nhiều lúc, Tuấn và các bạn trong nhóm cũng cảm thấy nản lòng. Nhưng bản thân mọi người trong nhóm vì điều kiện không cho phép nên không ai có thể trực tiếp đi tìm... Đúng thời điểm khó khăn ấy, có một người đã tình nguyện “dấn thân” vào chung vai sát cánh với nhóm, đó là phóng viên Phương Uyên của báo Tuổi trẻ TP.HCM. Chị chịu trách nhiệm về nội dung và thông tin chính về các phần mộ liệt sĩ ở phía Nam.

Sau gần một năm hoạt động, ngày 12/8/2005, Tuấn nhận được tin báo từ Phương Uyên: Có người đã tìm thấy mộ người thân từ website nhắn tìm đồng đội. Cựu chiến binh Trần Kiến Quốc người đã cung cấp danh sách các liệt sĩ là chiến sĩ của D1, D2 thuộc E273 Quân đoàn 3 đã hy sinh vào sáng ngày 30/4/1975 - cho hay, hầu hết các phần mộ trong danh sách đó đều chưa được gia đình tìm đến hương khói trong suốt 30 năm qua. Họ đều hy sinh ở tuổi đôi mươi... 22 tuổi. Trong đó có Lê Văn Lưu, người lính trẻ của Quân đoàn xe tăng E273 này đã hy sinh ngay tại cửa ngõ Sài Gòn khi mới được 3 tháng quân trường... Những thông tin do ông Quốc cung cấp đã đến tay gia đình liệt sĩ Lưu. Và thế là sau 30 năm, liệt sĩ Lê Văn Lưu đã được "gặp" người thân. Cha của anh, ông Lê Văn Quang, không nén nổi niềm hạnh phúc khi tìm được mộ phần của người con trai cả.

Tuấn và những người bạn đã không kìm nổi xúc động khi biết được tin vui này. Niềm vui ấy cứ thế nhân lên khi các gia đình tìm được phần mộ của thân nhân.

Ngày 14/8/2005, nhóm SWS được phong tặng Danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin cho trang web của mình. "Cảm giác lúc đó thật khó tả. Mình mừng như trẻ con nhận được quà vậy. Thật không có gì hạnh phúc hơn". Tuấn tâm sự.

Những ngày này, gần đến 27/7, trang web của Tuấn bận bịu hơn vì thường xuyên có tới 300-400 thông tin đăng tìm mộ liệt sĩ. Chỉ ngồi duyệt nội dung thôi cũng không xuể nhưng Tuấn cũng như các bạn trong nhóm vẫn nhiệt tình, kiên trì. Với họ, thêm được một thông tin sẽ thêm nhiều người biết đến. Danh sách đội ngũ cộng tác viên cũng ngày càng dày thêm. Hiện trang web có 15 cộng tác viên ruột. Nhiều người còn đăng tin trên web "nhắn tìm đồng đội" kêu gọi quyên góp xây dựng tượng đài liệt sĩ như một chị ở Củ Chi... và còn nhiều trường hợp khác nữa.

Trong hàng nghìn thông tin đăng tải trên website, đã có 12 thông tin giúp cho người nhà liệt sĩ tìm được mộ thân nhân. Con số tuy không lớn nhưng là nguồn động viên, là niềm tin cho những gia đình vẫn đang tìm kiếm mộ người thân, đồng thời là động lực để Tuấn và nhóm tiếp tục hành trình "đi tìm quê hương" cho các liệt sĩ.

Với tình cảm chia sẻ chân thành, nhóm của Tuấn đã nhận được nhiều sự đồng cảm và giúp đỡ của mọi người từ khắp mọi miền Tổ quốc qua những lá thư động viên, khích lệ. Đến nay, trang web đã có nhiều cải tiến về cả giao diện và nội dung so với phiên bản ban đầu. Năm 2005, trang web đổi tên miền sang hoạt động dưới cả hai tên miền mới là nhantimdongdoi.org và nhantimdongdoi.org.vn.

Ngoài việc mở trang web, nhóm SWS còn thành lập quỹ riêng để mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ, họ lại đến các gia đình chính sách, gia đình có công tặng quà để động viên tinh thần họ.  

Những chàng trai của thế hệ trẻ 8X hôm nay đang "đi tìm quê hương" cho các liệt sĩ - những người con hy sinh vì Tổ quốc khi đang tuổi đôi mươi. Nhóm SWS đã chứng minh: Tuổi trẻ hôm nay không quên sự hy sinh của thế hệ cha anh và họ đang sẻ chia những mất mát, xoa dịu nỗi đau chiến tranh bằng lòng biết ơn chân thành, trí tuệ và sức trẻ.

Thanh Mai

 Theo VTC ngày 26/07/2006 

Trung tâm MARIN (Trích đăng)



Duydiep84 | Duy_ diep_ b10c6k42@yahoo.com (01:46:42 10-03-2011)

Tôi cũng là một thế hệ 8x, rất cám ơn các anh chị đã thành lập ra trang wep này, đã một phần giúp các anh tìm về được gia đình quê hương mình

Ý kiến của bạn





Nội dung:* (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)