khuyến mãi lazada

Di ảnh liệt sĩ

Liệt sĩ: Đinh Văn Hợp
Ngày sinh: 5/10/1946
Quê quán: Khánh Dương - huyện Yên Mô – tỉnh Ninh...
Đơn vị: PFC (Hạ sỹ) thuộc C5 – d2 – E31 – F341
Hy sinh: tại thôn Bàu , xã Cam Chính, huyện Cam Lộ

Tìm kiếm

Đăng nhập

Khói hương trầm mặc!

(29/04/2013 06:43:24 AM) Độ này năm ngoái, khi về viếng nghĩa trang liệt sĩ ở di tích lịch sử văn hóa Chiến khu Đ, chúng tôi gặp một đoàn du khách đến từ châu Âu. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình địa phương về những cảm nhận khi đặt chân đến Việt Nam, một du khách trẻ tuổi trong đoàn nói rằng: Tôi cảm thấy ở Việt Nam, người dân thắp hương nhiều nhất trên thế giới! Nói rồi anh bạn trẻ đến từ trời Tây cùng các thành viên trong đoàn kính cẩn đến dâng hương dưới tượng đài liệt sĩ và trên từng nấm mộ.

Chúng tôi khá bất ngờ trước câu nói ấy. Chẳng biết sự thật có đúng là người Việt Nam thắp hương nhiều nhất trên thế giới hay không, nhưng có một điều chắc chắn là không ai trong chúng ta đến tuổi trưởng thành lại chưa từng một lần cầm trên tay nén hương. Có rất nhiều không gian, hoàn cảnh để chúng ta thực hiện nghĩa cử mang ý nghĩa văn hóa tâm linh ấy. Đó là lúc chúng ta thành tâm dâng hương khi lễ chùa; là những nén hương kính cẩn trước bàn thờ tổ tiên trong ngày rằm, ngày giỗ, Tết; những nén hương tiễn biệt người đã khuất; nén hương cầu an lành... Và nơi chúng ta thường dâng hương với tất cả lòng biết ơn, tôn kính chính là khi tưởng niệm, báo công với Bác Hồ, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Khắp nơi trên đất nước này, không có gia đình, dòng họ nào lại không có người đi bộ đội, tham gia kháng chiến; không làng quê nào thiếu vắng gia đình chính sách, người có công với nước; không địa phương nào không có nghĩa trang liệt sĩ…

Mỗi khi cầm nén hương trên tay, bất kể già, trẻ, trai, gái, thuộc tầng lớp xã hội nào… ai ai cũng đều kính cẩn cúi đầu vái lạy. Nghi lễ dâng hương trở thành phong tục văn hóa truyền thống tôn nghiêm của dân tộc. Đặc biệt, trong các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trở thành nghi lễ mang tính tự nguyện, thành tâm của mọi cá nhân, tổ chức xã hội. Trong khói hương trầm mặc, ai cũng có khoảnh khắc chùng lòng để tâm hướng thiện. Khói hương là thông điệp, là nhịp cầu nối truyền thống với hiện tại, giữa người đã khuất với người đang sống, giữa hiện thực với tâm linh… Khói hương xích con người lại gần với nhau hơn!

Minh họa: Mạnh Tiến.

Hai mươi ba năm trước, khi tôi cầm trên tay giấy báo nhập ngũ, dù đang mùa giáp hạt, thóc dính đáy bồ, ông bà nội tôi vẫn chắt chiu làm một mâm xôi gà đến nhà thờ họ cúng tổ tiên. Bên di ảnh của các bác, các chú là liệt sĩ, ông tôi lặng lẽ thắp hương khấn vái, cầu cho tôi đi chân cứng đá mềm. Ông còn bảo cha tôi đưa tôi lên nghĩa trang liệt sĩ trên thị trấn làm lễ viếng, xin các anh hùng liệt sĩ phù hộ độ trì cho tôi. Tuổi hai mươi, tôi vào đời ào ạt như cơn lốc, cày nửa buổi đã xong sào ruộng, bổ một lúc củi đã chất đầy nóc bếp, cãi nhau với trai làng khác một câu đã ngứa ngáy chân tay…, vậy mà đứng trước anh linh các anh hùng liệt sĩ trong nghi ngút khói hương, tôi thấy tôi bé lại như hạt mưa tan giữa trời, lắng lòng rưng rưng nghe cha khấn vái. Tôi nhớ mãi lời cha tôi lúc ấy, rất khẽ, rất chậm, rất trang nghiêm rằng, có đứa con trai chuẩn bị lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, tiếp bước truyền thống cha anh. Hôm nay, trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, hai cha con thành kính dâng hương, xin hương hồn các chú, các cô, các anh, các chị phù hộ độ trì…

Cha tôi còn nói rằng, con nhập ngũ trong cảnh đất nước thanh bình là một cái phúc lớn. Cái phúc ấy của cả dân tộc có được nhờ hàng vạn, hàng triệu người đã ngã xuống. Chẳng có một ông bố, bà mẹ nào mong muốn đất nước có chiến tranh để đưa con cái ra trận, nhưng khi Tổ quốc gọi, dù thời chiến hay thời bình, ai cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả cho Tổ quốc.

Hai mươi ba năm qua, bàn chân tôi đã đặt đến hầu hết mọi miền quê trên đất nước, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, từ Trường Sơn đến Trường Sa… Đến đâu tôi cũng không quên vào dâng hương tại phòng truyền thống của các đơn vị hay trước tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ. Mỗi lần bên khói hương trầm mặc, tôi cảm thấy như được tiếp thêm niềm tin, nghị lực.

Hôm nay, tôi lên chuyến tàu từ ga Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung theo đoàn đại biểu cựu tù chính trị trong kháng chiến chống Mỹ ra Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn viếng các anh hùng liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Qua cửa sổ toa tàu, làng mạc, phố phường, biển cả, núi sông, đồng bãi… hiện lên ngút mắt như cuốn phim quay nhanh. Và trong vô số những khuôn hình ấy, tôi thấy rất rõ những nghĩa trang liệt sĩ nằm trên dọc dài đất nước. Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn dịp này đông nghịt, khói hương thơm ngát tỏa lan khắp vùng. Từng đoàn người kính cẩn cúi đầu trước những nấm mộ theo đội hình thẳng tắp, trùng điệp. Có những người cháu đi viếng ông, những người con viếng bố mẹ, em viếng anh chị, đồng đội còn sống viếng người đã khuất, lớp thanh niên, chiến sĩ hôm nay viếng thế hệ cha anh… Tôi lắng lòng chứng kiến những bà mẹ tuổi chín mươi rạp tấm lưng còng đến thắp hương cho những người con liệt sĩ. Khói hương làm cay mắt mẹ hay nỗi đau tiễn những đứa con đi không bao giờ trở về vẫn chưa nguôi ngoai trong tim mẹ…

Trong niềm vui ngày hội chiến thắng, đất nước thống nhất, ở đâu trên đất nước này cũng chất chứa niềm thành kính tri ân và lòng tiếc thương vô hạn. Bên khói hương ngát thơm trầm mặc, dẫu đến từ tám hướng bốn phương, ai cũng thấy thân quen như ân nghĩa ruột rà, bởi những người đã vĩnh viễn nằm xuống, ngàn vạn linh hồn mãi chung một cõi tin yêu…

Chẳng biết anh bạn du khách gặp ở Chiến khu Đ có biết rằng, người Việt Nam chẳng ai mong được đốt nhang nhiều như vậy; nhưng trước nơi yên nghỉ vĩnh hằng của những người con ưu tú của Tổ quốc, người Việt Nam chẳng ai quên nghĩa cử tri ân…

Khói hương trầm mặc, mỗi sợi khói, mỗi nén hương một ân nghĩa, một lời thề!

Phan Tùng Sơn ( báo QĐND)



Ý kiến của bạn





Nội dung:* (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)